Những năm qua, cách sử dụng bã rượu để nuôi lợn đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều người dân ở huyện Ba Bể, đặc biệt là những hộ dân không có nhiều đất để canh tác. Gia đình chị Đặng Thị Tường – thôn Bản Ngù II, xã Cao Trĩ là một trong những hộ gia đình thực hiện mô hình này từ năm 2007, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng./.
Không dồi dào đất sản xuất như các hộ dân khác trong thôn, nên gia đình chị Đặng Thị Tường – thôn Bản Ngù II, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể chọn nghề nấu rượu kết hợp với chăn nuôi lợn. Chị Tường cho biết: gia đình chị đã duy trì việc nuôi lợn bằng cách nấu rượu được hơn 10 năm nay, khi phong trào nuôi lợn đang phát triển. Hiện gia đình chị đang nuôi hơn 30 con lợn thịt, lúc cao điểm lên tới 50 con; mỗi ngày chị nấu 3 mẻ rượu, sản xuất ra hơn 70 lít rượu, tương đương với 50kg gạo. Để bã rượu trở thành nguồn thức ăn chính trong chăn nuôi và lượng rượu làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, chị Tường đã tiếp cận với thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu chị “tiếp thị” những hàng quán trong vùng. Khi lượng rượu đủ lớn, khách hàng đủ quen chị mở rộng thị trường ra những vùng trong và ngoài tỉnh như: Thị trấn Phủ Thông, Thành phố Bắc Kạn, Thái Nguyên…Chị Tườngchia sẻ: “Gia đình tôi kết hợp nấu rượu với chăn nuôi lợn đã từ nhiều năm nay, tôi thấy việc kết hợp nấu rượu với chăn nuôi đem lại hiệu quả rất tốt. Thứ nhất tôi tận dụng được nguồn bã rượu để trộn với bột ngô, sắn, cám gạo và thức ăn xanh để ép đùn ra viên cám tổng hợp để chăn lợn; thứ hai nữa là tiết kiệm được công nấu cám và dùng cám này con lợn nó ham ăn hơn, lớn nhanh hơn và chất lượng thịt của lợn đạt tốt hơn, được thị trường ưa chuộng hơn…”
Nghề nấu rượu nuôi lợn đã giúp gia đình chị có thu nhập hàng 100 triệu đồng/năm. Trong lúc giá thức ăn chăn nuôi đắt đỏ như hiện nay, việc nấu rượu để nuôi lợn đã giúp chị tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Để lợn ăn khỏe và đủ chất dinh dưỡng chị đã trộn thêm cám ngô, cám gạo, thức ăn xanh, chuối với bã rượu cho vào máy trộn nghiền để làm ra những viên cám tổng hợp đảm bảo đủ dưỡng chất cho lợn sinh trưởng và phát triển. Cũng theo chị Tường bã rượu có giá trị dinh dưỡng cao, cùng với những axit amin, bã rượu còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin giúp kích thích tiêu hóa, lợn ăn chóng lớn. Bã rượu còn làm cho lợn ít hoạt động nên ít tiêu hao năng lượng, tăng trọng nhanh. Chị Tường cho biết thêm: “Trong thời gian tới gia đình tối sẽ mở thêm một số chuồng trại để tăng thêm đàn lợn và tăng thêm lượng nấu rượu để có thêm bã chăn nuôi. Hơn nữa lượng rượu tiêu thụ ra sẽ giúp cho gia đình tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống hàng ngày…”
Ảnh: Mô hình nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn của gia đình chị Tường Thôn Bản Ngù II, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể
Nấu rượu, nuôi lợn đã giúp cho gia đình chị Tường vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Cũng nhờ nghề này, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể có việc làm, tăng thu nhập. Một lần nữa, việc kết hợp nấu rượu nuôi lợn đã giúp nông dân nơi đây vững vàng trước cơn “bão giá”, đặc biệt là khi giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt. Chị Hoàng Thị Lũy – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cao Trĩ cho biết: “Mô hình nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn của chị Đặng Thị Tường thôn Bản Ngù II, xâ Cao Trĩ là một mô hình điển hình đem lại thu nhập cao cho gia đình. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em hội viên xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế như mô hình chăn nuôi lợn thịt của chị Tường phát triển kinh tế đem lại thu nhập khá cho gia đình…”
Chính lợi thế của việc sử dụng bã rượu trong chăn nuôi đã duy trì phong trào làm kinh tế hộ gia đình của người dân Vùng cao huyện Ba Bể, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương./.